Qua sự giới thiệu của anh Trần Minh Hải, giám đốc Trung tâm Giáo dục sức khỏe và Phát triển cộng đồng Tương Lai, chúng tôi lần tìm những tờ báo cũ viết về anh Phùng Ngọc Phong – Giám đốc Trung tâm sửa chữa ô tô Phùng Nguyễn cao tốc. Quả là báo chí đã tốn nhiều giấy mực để viết về anh, chàng trai bụi đời trở thành ông chủ. Tuy đọc nhiều, nhưng chúng tôi vẫn còn một chút tò mò không biết nguyên do nào, động lực nào đủ mạnh mẽ đã đẩy anh bước qua lằn ranh bóng tối, hướng hẳn về phía ánh sáng. Với câu hỏi ấy, chúng tôi đến tìm Giám đốc Phùng Ngọc Phong vào một buổi chiều hanh nắng Sài Gòn. Và câu chuyện bắt đầu giữa tiếng inh ỏi của Trung tâm sửa chữa ô tô Phùng Nguyễn trong giờ cao điểm…
Anh Phùng Ngọc Phong hướng dẫn công nhân sửa chửa ô tô - Ảnh: N.A
“Như bạn biết đấy, tôi là một đứa trẻ mồ côi, đến nay hơn nửa đời người, vẫn chưa được gặp lại đấng sinh thành. Và tôi là một đứa trẻ bụi đời, giới truyền thông cũng đã nói nhiều về điều này, tôi không có gì phải giấu về quá khứ của mình. Ai cũng có một cuộc đời để tự hào, dù nó trong sáng hay đen tối.
Tôi lang thang từ khi còn nhỏ, cũng chẳng nhớ là bắt đầu lúc bao nhiêu tuổi nữa. Từ khi xa cha mẹ, tôi làm đủ nghề để tồn tại, vâng, chỉ để tồn tại thôi. Lúc ấy tôi không có một khái niệm gì về vươn lên, về nghị lực. Lúc ấy, tôi ăn để sống. Chợ Cầu Muối nuôi tôi. Những anh chị giang hồ nuôi tôi. Và tôi làm việc dưới sự sai bảo của họ. Biệt danh “Phong thổ địa” xuất phát từ đó. Bạn hỏi tôi có tự hào với biệt danh này không ư? Chắc là không đâu, vì để đổi lấy nó, tôi phải sống những ngày đầu đường xó chợ, phải sống trong sự sai khiến của người khác và cũng vì nó tôi được “thu gom” về Trường Thiếu niên 3 (nay là Trung tâm Giáo dục dạy nghề thanh thiếu niên Thành phố). Vậy thì có vẻ vang gì để tự hào?!
Nhưng cuộc đời thật lạ, cứ nghĩ vào Trường là “bị bắt” nhưng hóa ra, tôi lại học được nhiều điều từ nơi này, tôi được học chữ, học làm một người tử tế. Hãy thử hỏi bất kỳ một đứa trẻ đường phố nào, tất cả chúng sẽ trả lời là muốn có một cuộc sống khác đi. Nhưng ngặt nỗi, chúng không biết sống khác đi là sống như thế nào. Và Trường thiếu niên 3, rồi sau đó là thầy cô ở Mái ấm Tre Xanh đã “mở mắt” cho tôi.
Ra trường, tôi bắt đầu nghĩ đến một công việc đàng hoàng. Phục vụ nhà hàng, quán ăn, phụ hồ, in ấn, sửa chữa cơ khí,… chắc cũng hơn chục công việc lao động chân tay tôi đã làm qua. Làm càng nhiều, tôi càng thấy sự bấp bênh của một người lao động không có tay nghề thật sự.Vậy nên tôi nung nấu phải học một cái nghề, phải thành thợ để ngẩng cao đầu với đời. Đó chính là động lực - động lực của một thiếu niên nghèo không muốn nghèo nữa, không muốn bị người ta khinh khi nữa, không muốn bị ăn hiếp nữa.
17 tuổi, tôi đi tìm một cái nghề. Tôi nghĩ đến nghề sửa chữa ô tô, đơn giản chỉ vì tôi thích… ô tô, muốn hàng ngày được nhìn thấy xe, chạm vào nó, quan sát nó chứ chưa hề có ý niệm là sẽ làm giàu từ nó. Trong suy nghĩ non nớt của tôi lúc đó, rành một cái nghề đã là giỏi lắm rồi.
Hồi ấy là năm 1997, nghề sửa chữa ô tô là “nghề nhà giàu” vì học phí khá tốn kém, không có mấy bạn ở mái ấm như tôi lại chọn nghề này nhưng tôi vẫn cương quyết tìm nơi học với ý nghĩ “người ta làm được mình cũng làm được”. Có ai ngờ, người thầy mà tôi từng đập nát xe đạp trong một cơn giận bồng bột lại là người lắng nghe tôi, chở tôi trên chiếc xe máy cà tàng đi khắp các trung tâm dạy nghề ở thành phố để tìm cho tôi một chỗ học. Thầy đã đối xử với tôi bằng lòng bao dung hiếm có, để tôi còn có thể tin yêu vào những điều tốt đẹp trong cuộc đời.
Anh Phùng Ngọc Phong (bìa phải) và anh Trần Minh Hải (áo sọc)
trong ngày thành lập Trung tâm Tương Lai – Ành: tư liệu
Thầy Trần Minh Hải và tôi đã tìm thấy Trung tâm dạy nghề quận 5 nay là Trường trung cấp nghề kỹ thuật công nghệ Hùng Vương. Thầy còn vận động Dự án Tương Lai hỗ trợ 50% học phí, chỗ ăn ở cho tôi trong suốt 6 tháng học. Thời gian đó, tôi vừa học nghề vừa làm phục vụ tại một quán cà phê để có tiền sinh hoạt và đóng học phí.
Nhận được tấm bằng nghề sửa chữa ô tô, những tưởng đời tôi đã sang trang mới tươi sáng hơn. Tôi sốt sắng đi tìm một chỗ làm nhưng đến đâu cũng nhận được cái lắc đầu, chỉ vì xuất thân của tôi là thằng bụi đời, không có đến một tờ giấy tùy thân. Một lần nữa, thầy Trần Minh Hải lại giúp tôi tìm chỗ làm đầu tiên thông qua vài người bạn của thầy.
Hơn ba năm tiếp theo, tôi miệt mài học tập từ gara này đến gara khác, từ Quận 5 đến Quận 1 rồi Gò Vấp và đỉnh điểm là một đại lý của một hãng xe hơi nổi tiếng thế giới. Tay nghề phát triển, có cơ hội so sánh giữa lý thuyết và thực hành, tuy nhiên tôi vẫn cảm thấy áp lực với môi trường làm việc nhiều cạnh tranh. Quá chán nản với cách làm việc băng nhóm, bè phái, tôi tâm sự với người bạn thân về ước mơ “ra riêng” của mình. May sao, người bạn này đã hiểu và hợp tác cùng tôi mở xưởng sửa chữa ô tô đầu tiên.
Năm 2006, xưởng sửa chữa ô tô của chúng tôi khai trương trên một diện tích khá khiêm tốn ở cuối đường Điện Biên Phủ. Thời gian đầu chỉ có khoảng 50 khách quen từ những chỗ làm cũ của tôi, nghe tin tôi mở tiệm mà tìm đến ủng hộ. Thuận lợi này đã tạo đà cho Phùng Nguyễn cao tốc phát triển, đến nay đã có trên 200 khách hàng thường xuyên với gần 20 công nhân làm việc 24/7. Bạn hỏi tôi có hài lòng với thành quả này không ư? Hẳn nhiên là với một người tay trắng xây dựng sự nghiệp như tôi thì thành quả đó là rất đáng hài lòng, nhưng tôi chưa thỏa mãn. Bởi lẽ, tôi làm việc vì đam mê.
Gần 20 năm lăn lộn với nghề, tôi rút ra một chân lý cho mình: nếu không có đam mê thì sẽ không có nỗ lực, nếu không có nỗ lực thì sẽ không làm được gì cả. Nhiều bạn bè học cùng lớp sửa chữa ô tô với tôi không trụ nổi với nghề, hỏi ra mới biết họ không đầu tư cho nghề một cách xứng đáng. Thử hỏi sửa chữa xe mà không biết lái xe thì làm sao bạn cảm nhận được nó chạy êm thế nào, nó kêu ở đâu? Nếu sửa chữa xe mà không biết chút ít tiếng Anh thì làm sao bạn đọc tài liệu kỹ thuật tiên tiến từ nước ngoài? Nếu sửa chữa xe mà không biết sử dụng máy vi tính, không biết lướt net thì làm sao bạn cập nhật công nghệ mới?...Tôi đã học tất cả những kiến thức mà tôi thấy cần thiết cho nghề nghiệp của mình để bản thân ngày càng hoàn thiện hơn, để lấy được niềm tin và sự tôn trọng của mọi người, từ nhân viên cho đến khách hàng.
Anh Phùng Ngọc Phong (bìa phải) hướng dẫn cho thợ học việc - Ảnh: tư liệu
Bây giờ, trong công việc hàng ngày, tôi vẫn luôn nhắc nhở những người thợ mới, những bạn trẻ mới vào xưởng tôi hãy học tập và làm việc vì niềm đam mê, đừng vì tiền, vì khi bạn làm tốt, làm thuần thục thì tiền sẽ tự động vào túi bạn..."
Nghe câu chuyện đời Phùng Ngọc Phong cùng với sự trải bày chân thành của anh về quan niệm sống, quan niệm làm việc, chúng tôi thật sự cảm phục. Francis Quarles đã từng nói “Nếu số phận chia cho bạn những quân bài xấu, hãy để sự khôn ngoan biến bạn thành người chơi giỏi!”. Phùng Ngọc Phong là một minh chứng sinh động cho câu nói này, anh đã chơi rất giỏi trong canh bạc cuộc đời dù nắm trong tay những quân bài xấu. Trung tâm Giáo dục sức khỏe và Phát triển cộng đồng Tương Lai rất hân hạnh song hành cùng anh trên một quãng đường đời và mãi dõi theo anh trên mỗi bước đường phát triển sự nghiệp.
Nguyên Ánh lược ghi
Theo lời kể của anh Phùng Ngọc Phong – Giám đốc Phùng Nguyễn cao tốc
- Những người làm tình nguyện vì tư lợi hay thiện chí?
- Thông báo Ngày hội Hạnh phúc trao tay
- Huỳnh Thị Cẩm Nhung và ước mơ học nghề pha chế
- Nguyễn Văn Tâm: trang đời mới từ nghề mộc
- Thông báo tuyển tình nguyện viên chương trình Hạnh phúc trao tay
- Thư ngỏ gửi các tổ chức - cá nhân đóng góp cho chương trình Hạnh phúc trao tay
- Kế hoạch vận động gây quỹ chương trình Hạnh phúc trao tay