Skip to content

Bảo vệ trẻ em được bắt đầu từ chính trẻ em

Từ đầu năm đến nay, truyền thông liên tiếp đưa tin về các vụ xâm hại tình dục trẻ em. Điều này cho thấy tính chất nghiêm trọng và sự báo động trong toàn xã hội. Nguy cơ bị xâm hại tình dục có thể xảy ra đối với bất kỳ trẻ em ở độ tuổi nào và không phân biệt giới tính, diễn ra từ thành thị đến nông thôn. Trẻ em có thể bị xâm hại tình dục ngay dưới mái trường, trong ngôi nhà của chính mình.

Đối với trẻ em mới lớn, dù biết bị lạm dụng/xâm hại nhưng có thể vì sốc tâm lý, sợ bạn bè kỳ thị hoặc cho rằng đó là lỗi của mình nên các em thường giấu diếm, không dám nói ra. Về phía gia đình nạn nhân, đôi khi vì sợ dư luận mà họ chọn cách im lặng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều vụ trẻ em bị lạm dụng không bị phát giác, tố cáo, để lại hậu quả đáng tiếc. Có thể nói, tính đến thời điểm hiện tại công tác giáo dục giới tính, trang bị kiến thức phòng, chống xâm hại tình dục dành cho trẻ em, thanh thiếu niên đang đặt ra ở mức cấp thiết hơn bao giờ hết.

Nhận thức rõ sứ mệnh vun trồng các thế hệ phát triển toàn diện, Trung tâm Giáo dục Sức khỏe và Phát triển Cộng đồng Tương Lai (Trung tâm Tương Lai) hiểu rằng việc cung cấp các dịch vụ cho trẻ em, thanh thiếu niên không chỉ bao gồm cả việc hỗ trợ về học tập, vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ pháp lý mà còn có trang bị những kiến thức cơ bản về kỹ năng sống – kỹ năng tự bảo vệ dành cho trẻ em, thanh thiếu niên. Tiếp tục các hoạt động của dự án “Bảo vệ Thanh thiếu niên là nạn nhân của sự kỳ thị và góp phần xây dựng dự luật dành cho trẻ em” do Trung Tâm thực hiện với sự tài trợ của Dynamo International ASBL, Wallonie Bruxelles International tại TP.Hồ Chí Minh, Trung tâm Tương Lai đã tổ chức khóa tập huấn chuyên đề “Kỹ năng sống cho trẻ em/thanh thiếu niên” tại điểm phường tham gia dự án là phường Tân Thới Hòa thuộc Quận Tân Phú. Khóa tập huấn được diễn ra vào ngày 15/11 tại trường THCS Hoàng Diệu, với gần 50 tham dự viên là các trẻ em gái ở độ tuổi từ 11 – 13 tuổi đang học tại trường, vượt số lượng dự kiến từ phía Tương Lai.

Đứng lớp trực tiếp giảng dạy là bà Trần Nguyễn Thái Thanh – nội dung lý  thuyết Kỹ Năng Sống và bà Trần Ngọc Uyên Nhi – nội dung thực hành Kỹ năng Tự Bảo Vệ. Những nội dung được trình bày, gồm: luyện tập khả năng phản ứng nhanh, tìm hiểu về nguy cơ, rủi ro, phòng ngừa quấy rối, xâm hại tình dục trẻ em, nhận biết vùng đồ lót, tiếp cận qui tắc đồ lót, nhận biết những nguy cơ bị lừa gạt, bắt cóc và tai nạn thương tích, cách xử lý trước những tình huống nguy hiểm... 

Không còn là những kiến thức khô khan như tất cả chúng ta thường thấy, với phương pháp giảng dạy chủ động có sự tham gia của học viên, 2 tập huấn viên đã cùng tất cả các em hòa mình vào không khí vui nhộn của rất nhiều họat động được diễn ra như: lồng ghép các trò chơi liên quan đến nội dung bài giảng, cuộc thi hung biện, vẽ tranh, sắm vai vào những tình huống có nguy cơ xảy ra,… Điều này đã tạo một sự tác động lớn, giúp các em cảm thấy mới lạ, thích thú hơn và tiếp thu được kiến thức nhanh hơn. Sau khóa tập huấn ngày hôm ấy, các em đã nhân biết được những nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra trong cuộc sống như bị tai nạn, thương tích, bị lừa đảo,  và đặc biệt là xâm hại tình dục.....cũng như biết cách để phòng tránh các nguy cơ trong cuộc sống để tự bảo vệ bản thân trước những tình huống hiểm nguy.

Khóa tập huấn đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ phía UBND phường Phú Trung và trường THCS Hoàng Diệu. Sau khóa tập huấn này, Trung tâm Tương Lai sẽ còn tiếp tục thực hiện các khóa tập huấn khác tại những địa phương mà dự án đang phối hợp thực hiện.

Có thể nhận thấy, việc giáo dục và cung cấp kiến thức một cách đúng đắn, kịp thời dành cho gia đình, thầy cô là điều vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, để làm giảm những vụ xâm hại tình dục trẻ em, việc giáo dục, chia sẻ cho thầy cô chỉ là một phần, chính các em – những mầm non cần bảo vệ nên được giáo dục giới tính và thực tập kỹ năng bảo vệ bản thân một cách bài bản càng sớm càng tốt. Mà điều đó cần đến sự hiểu biết và hành động của nhà trường và toàn xã hội. Trung tâm Tương Lai hi vọng, với những nơi đội ngũ ghé qua, chí ít có thể góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng nói chung, các hộ gia đình, giáo viên, các bậc phụ huynh nói riêng để từ đó giảm thiểu rủi ro cho trẻ em đến mức thấp nhất.

 

Thanh Trúc

 

 

Xem thêm