Skip to content

Phòng chống xâm hại tình dục trẻ em: Cha mẹ ngại nói, sao giúp được con?

Vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em hiện nay đang ngày càng trở nên nhức nhối hơn bao giờ hết bởi rất nhiều vụ việc vừa được phanh phui và đưa ra xét xử. Riêng ở Tỉnh Vĩnh Long, theo thống kê của Tổng cục Cảnh Sát - Bộ Công An, chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2017 trên địa bàn tỉnh này đã có 9 vụ xâm hại tình dục trẻ em được phanh phui và đưa ra xét xử, trong đó, có một số vụ, các đối tượng lại là người thân, hàng xóm quen biết của các em. Điều đó cho thấy, ngay cả trong môi trường xóm làng, gia đình, trẻ nhỏ vẫn có nguy cơ bị xâm hại tình dục nếu không có sự quan tâm đúng cách từ phía phụ huynh và cộng đồng. Tình trạng xâm hại tình dục, bạo lực... đối với trẻ thơ đang là vấn đề nhức nhối của xã hội

Hiểu rằng, công tác phòng ngừa từ gia đình vô cùng quan trọng, đặc biệt từ chính phía  phụ huynh cũng cần phải hiểu những kỹ năng để chủ động phòng tránh vấn nạn này cho con em ngay từ chính cộng đồng mình đang sống. Trong khuôn khổ các hoạt động của dự án “Bảo vệ Thanh thiếu niên là nạn nhân của sự kỳ thị và góp phần xây dựng dự luật dành cho trẻ em” do Trung Tâm Giáo dục Sức Khỏe và Phát triển Cộng đồng Tương Lai thực hiện với sự tài trợ của Dynamo International ASBL, Wallonie Bruxelles International, Trung tâm Tương Lai đã phối hợp Qũy Bảo trợ Trẻ em Tỉnh Vĩnh Long trực thuộc Sở Lao Động – Thương Binh và Xã Hội đã  tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề “Phòng chống Xâm hại tình dục trẻ em cho Phụ huynh”.

Buổi truyền thông được diễn ra tại Hội trường A, Sở Lao Động – Thương Binh và Xã Hội Tỉnh Vĩnh Long. (số 42 Nguyễn Huệ, phường 2, Thành phố Vĩnh Long, Tỉnh Vĩnh Long) với sự tham gia của với sự tham gia của bà Phan Hồng Hạnh, Phó giám đốc Sở TBLĐ&XH, bà Phan Thị Kim Yến - cán bộ địa phương, bà Trần Ngọc Uyên Nhi – điều phố viên dự án và bà Trần Nguyễn Thái Thanh – cử nhân ngành Công tác Xã Hội và hiện đang công tác tại Trung tâm Tương Lai với tư cách diễn giả.

Buổi sinh hoạt chuyên đề tổ chức vào buổi chiều thứ 3 ngày 7/11/2017. Cái lợi ở đây là buổi truyền thông nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ chính quyền địa phương. Cái bất lợi chính là truyền thông lại rơi vào ngày mưa bão. Tuy nhiên, dù điều kiện thời tiết bên ngoài không tốt, hơn 50 hộ gia đình vẫn cố gắng tới tham dự, ghi nhớ từng mảng kiến thức.  Điều đó, phần nào cho thấy sự quan tâm của cha mẹ đến sự an toàn của con trẻ hiện nay trên địa bàn Tỉnh Vĩnh Long.

Dù rằng thời gian diễn ra khá ngắn, nhưng tham gia buổi truyền thông, các gia đình đã được diễn giả phổ biến quyền cơ bản về trẻ em cũng như những điểm mới thay đổi về Luật liên quan đến trẻ em. Ngoài ra, những nguy cơ có thể gặp phải như rủi ro, tai nạn, bắt cóc,… kèm theo các biện pháp phòng ngừa, tự bảo vệ phù hợp với trẻ nhỏ đều được minh họa sinh động thông qua các đoạn video clip, hình ảnh… giúp cha mẹ dễ nhớ và chỉ dạy cho con áp dụng trong cuộc sống một cách dễ dàng

Nội dung Qui tắc vùng đồ lót và Qui tắc 5 ngón tay cũng được truyền tải đến phụ huynh, giúp cha mẹ nhận định được đâu là vùng trên cơ thể tuyệt đối không để người khác đụng chạm (trừ một số trường hợp như đi khám bệnh, được chăm sóc bởi cha mẹ…) và dễ dàng ghi nhớ, dễ dàng chuyển tải cho con em.

Nhiều phụ huynh chia sẻ, việc giáo dục giới tính cho con thường gặp rất nhiều khó khăn vì rào cản tâm lý của bản thân. Với văn hóa phương Đông truyền thống, đây vẫn là “vùng cấm”, chuyện tế nhị không thể chia sẻ do cách biệt thế hệ. Chính con trẻ cũng ngại hỏi và sợ cha mẹ lảng tránh, không ủng hộ thậm chí là rầy la khi biết mình đang tò mò lĩnh vực này. Bên cạnh đó, một số phụ huynh cũng là thầy cô góp ý, về phía nhà trường, việc giáo dục giới tính cũng gặp khó khăn khi thực thế giáo viên hoàn toàn không được đào tạo chuyên môn sâu về lĩnh vực này. Tuy nhiên, dù phụ huynh không muốn đề cập cũng không thể tránh né thực tế rằng con mình đang dần trưởng thành, có thể tiếp cận nhiều thông tin liên quan đến giới tính từ các nguồn không lành mạnh. Vẽ đường đúng cho hươu chạy thì vẫn luôn tốt hơn để nó chạy không đúng lối.

Tương Lai tin rằng, trẻ con vốn không biết gì cả thì không thể tự bảo vệ nên hơn ai hết các bậc phụ huynh cần phải có cách giữ an toàn cho trẻ. Nhưng vốn cha mẹ không thể suốt ngày ở bên con nên việc giáo dục giới tính kịp thời và dạy cho con các kỹ năng ứng biến với “yêu râu xanh” là điều cực kỳ quan trọng. Khi trẻ đã bị xâm hại thì phải dạy cho trẻ biết cách chia sẻ hành vi này với người mà trẻ tin tưởng để người lớn chúng ta phối hợp với cơ quan bảo vệ pháp luật, bảo vệ trẻ em đưa được thủ phạm ra trước pháp luật xử lý cùng với đó phải bảo vệ được chính đứa trẻ của mình. Tuy nhiên, phải dạy sao cho khéo, dễ hiểu mà vẫn chuyển tải đầy đủ cho con trẻ còn cần rèn luyện qua các buổi tập huấn thực tế. Do đó, truyền thông phòng chống xâm hại tình dục trẻ em dành cho các hộ gia đình và nhà trường cần phải được lan tỏa và nhân rộng, bởi để cha mẹ hướng dẫn các em tự bảo vệ mình không chỉ mang lại những điều tốt đẹp cho chính các em mà còn góp phần vun đắp tình cảm gia đình nói riêng và gây dựng nền tảng an toàn cho cộng đồng nói chung. Tuy nhiên, làm sao để sự cấp thiết có thể thực tế hóa bằng hành động còn cần sự chung tay của rất nhiều đơn vị, ban ngành khác nhau. Trung tâm Tương Lai hi vọng, với những nơi đội ngũ ghé qua, chí ít có thể góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng nói chung, các hộ gia đình, giáo viên, các bậc phụ huynh nói riêng để từ đó giảm thiểu rủi ro cho trẻ em đến mức thấp nhất.

Tương Lai

Xem thêm